Logo
Trang chủ Tài nguyên Tài liệu cho GV

Chung tay phòng, chống sốt xuất huyết

10/10/2021

PHÒNG GIÁO DỤC QUẬN BA ĐÌNH

TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG DIỆU

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

Mùa mưa đến thường là lúc muỗi phát triển sinh sôi nảy nở, cũng thường là lúc chúng ta dễ mắc bệnh sốt xuất huyết, nhất là trẻ em. Tại nhiều địa điểm khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn biến của bệnh sốt xuất huyết cũng đang ngày một nóng lên. Theo tin từ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, mỗi tuần toàn thành phố có thêm hàng trăm ca mắc bệnh, xuất hiện ở tất cả các quận huyện và tập trung nhiều ở các quận nội thành do mật độ dân số cao, ô nhiễm môi trường nặng.

Sốt xuất huyết có những biến chứng chết người tiềm tàng. Nó có thể gây:

  •  Sốt cao.
  •  Hiện tượng chảy máu, thường có gan to.
  •  Trong những trường hợp nặng có thể gây suy tuần hoàn.

1.NGUYÊN NHÂN VÀ ĐẶC ĐIỂM NHẬN BIẾT MUỖI TRUYỀN BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

– Bệnh SXH do virus Dengue ( Đen- gơ) gây nên. Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành qua loài muỗi có tên là Aedes aegypti (An-des-ê-gyp-ti) thường được gọi là muỗi vằn.

– Muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường đậu ở quần áo, chăn, màn trong nhà.

- Muỗi vằn hoạt động hút máu vào ban ngày, cao nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Dịch SXH: thường xảy ra theo mùa, dịch bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, cao nhất vào tháng 7,8,9,10. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc SXH.

2. BIỂU HIỆN CỦA BỆNH:

+ Thể nhẹ: sốt cao đột ngột trên 38độC, kéo dài trong 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi.

+ Thể nặng bao gồm các dấu hiệu trên và kèm theo:

Dấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng.

3.CÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT:

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+  Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…,

– Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

– Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.                                    

 

 

Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Trường Tiểu Học Hoàng Diệu kêu gọi tất cả CBGVNV – HS và PH hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết với khẩu hiệu: “ Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”.

Ban truyền thông trường Tiểu học Hoàng Diệu.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website Liên kết website