Logo
Trang chủ Góc phụ huynh Tư liệu dành cho phụ huynh

Giúp khắc phục tình trạng thiếu tập trung khi học tập của trẻ trong độ tuổi tiểu học

28/10/2021

Trẻ em tiểu học có độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi. Học sinh ở lứa tuổi này có ưu điểm là hồn nhiên, ham học, ham khám phá và tiếp thu kiến thức  mới rất nhanh. Nhưng ở lứa tuổi này các con lại hay quên và thiếu tập trung. Vậy bố mẹ hãy cùng các cô giáo giúp các con khắc phục tình trạng trên bằng những biện pháp sau:

 - Chia nhỏ các nhiệm vụ phải làm, ước lượng khoảng thời gian thực hiện và thời điểm thực hiện… Ngoài ra cũng cần dựa vào khả năng của con mình để định lượng nhiệm vụ phải làm.

- Kết hợp đồng hồ và tính giờ: Đặt một đồng hồ tại bàn học của bé, nó sẽ giúp con bạn ý thức được thời gian và từ đó quản lý thời gian tốt hơn. Hãy nói cho con bạn biết nên làm bài tập trong bao lâu, khi nào cần ngồi học, bao giờ thì được nghỉ.

- Đối với trẻ mất tập trung, phụ huynh cần hết sức kiên nhẫn, hãy giúp con nhắc lại nhiều lần những kiến thức cũ trước khi bắt đầu một bài học mới.

- Khuyến khích trẻ vận động: Các nghiên cứu chỉ ra rằng vận động có lợi cho sự tập trung và khả năng tư duy. Trẻ nên dành thời gian tập thể dục trước khi vào lớp học online, hoặc vận động giữa giờ. Một số trẻ tập trung tốt hơn khi học đứng.

- Hạn chế những thứ gây mất tập trung: Tiếng ồn, đồ chơi, tivi là những thứ có thể khiến trẻ xao nhãng khi học. Để tạo môi trường học tập nghiêm túc cho trẻ, cha mẹ không nên để những món đồ gây mất tập trung xung quanh, đồng thời hạn chế tiếng ồn từ các thiết bị trong nhà.

- Nếu trẻ đã cố gắng hết khả năng nhưng không thực hiện được mục tiêu đề ra, bạn cũng đừng nổi giận nếu không muốn làm cho trẻ hoảng loạn và thất vọng với chính mình.

- Khi dạy trẻ kém tập trung, bạn đừng quá nôn nóng, trẻ cần phải được rèn luyện từ từ. Mỗi ngày bạn có thể tăng nhiệm vụ cho trẻ nhưng phải chia nhỏ các nhiệm vụ ra và nói rõ yêu cầu của bạn đối với trẻ. Cha mẹ cũng đừng quên dành cho con những lời khen để khích lệ khi con hoàn thành nhiệm vụ.

- Hãy chia sẻ, tâm sự với con nhiều hơn: Chúng ta hãy cùng con chia sẻ những điều nhỏ nhặt mà con kể như bạn bè, trò chơi hay một cuốn sách hay một vấn đề mà con yêu thích. Chỉ khi chúng ta là bạn với con trẻ thì con trẻ mới mở lòng và tiếp nhận những gì chúng ta yêu cầu mong muốn.

Ban truyền thông khối 1 - Trường tiểu học Hoàng Diệu.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website Liên kết website