Logo
Trang chủ Góc phụ huynh Tư liệu dành cho phụ huynh

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Hàn thực

04/04/2024

Tết Hàn Thực là một ngày tết quan trọng đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa Việt Nam. Bài viết này sẽ giúp các con học sinh trường Tiểu học Hoàng Diệu hiểu thêm Tết Hàn Thực là gì, cũng như nguồn gốc và ý nghĩa của nó đối với văn hóa tín ngưỡng nước ta.
 

1. Tết Hàn Thực là gì? Tết Hàn Thực là ngày nào trong năm 2024?

Tết Hàn Thực, hay còn được gọi với cái tên dân dã là Tết bánh trôi bánh chay, là một ngày tết truyền thống phổ biến ở miến Bắc Việt Nam và trong cộng đồng người Hoa. Vào dịp này, các gia đình sẽ chuẩn bị các phần bánh trôi, bánh chay thành kính dâng lên cho các bậc tổ tiên, nhằm tri ân, tưởng niệm người thân đã khuất.

Tết Hàn Thực diễn ra vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Vậy nên trong năm 2024, Tết Hàn Thực sẽ rơi vào ngày 11/04/2024 theo lịch dương (tức ngày 3/3 âm lịch).
 

2. Ý nghĩa của Tết Hàn Thực

Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi được du nhập vào Việt Nam đã mang ý nghĩa hoàn toàn khác, mang đậm dấu ấn dân tộc ta:

  • Thể hiện tấm lòng nhớ ơn ông bà tổ tiên và cội nguồn dân tộc, con cháu cùng quây quần, nấu bánh trôi, bánh chay thành tâm dâng cúng lên bàn thờ gia tiên nhằm thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn về công dưỡng dục và sinh thành.
  • Thể hiện truyền thống tốt đẹp và nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa thông qua việc món ăn được dâng lên ông bà tổ tiên trong dịp này, đều được làm từ những nguyên liệu dân dã, đặc trưng cho dân tộc ta. Chẳng hạn như bánh trôi hay bánh chay đều được làm từ hạt gạo, loại lương thực chính đã nuôi sống bao thế hệ người dân Việt Nam.
  • Ngoài ra, Tết Hàn Thực là dịp mọi người gửi gắm niềm tin tín ngưỡng, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. 
 

7 cách làm bánh trôi nước ngon không cưỡng nổi tại nhà


3. Ý nghĩa của bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn Thực bạn nên biết

Bánh trôi, bánh chay là một trong những món không thể thiếu trên mâm cúng tổ tiên vào ngày Tết Hàn Thực, được xem là biểu tượng của ngày lễ này. Tuy vậy, vẫn có nhiều người chưa biết ý nghĩa thật sự của bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn Thực là gì, chúng mình cùng tìm hiểu nhé!

- Giữ gìn truyền thống dân tộc: Tổ tiên xưa của người Việt đã sáng tạo ra bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn Thực tượng trưng cho các món ăn nguội (Hàn Thực). Việc hình ảnh bánh trôi, bánh chay xuất hiện trên mâm cúng qua bao nhiêu thế hệ đã trở thành sợi dây gắn kết đưa truyền thống đi sâu vào trong tiềm thức của người Việt trở thành một nét đẹp văn hóa của dân ta.

- Hướng về tổ tiên, cội nguồn dân tộc: Bánh trôi, bánh chay có vỏ tròn trắng, được dùng để bao bọc nhân gọn gàng bên trong, mang hết tình cảm gói gọn vào từng cái bánh, thể hiện nên tấm lòng tri ân sâu sắc đối với cội nguồn và ông bà tổ tiên đã khuất. Hơn nữa, hình ảnh gia đình con cháu quây quần tỉ mẩn gói từng chiếc bánh còn thể hiện tình cảm gia đình viên mãn, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông dành cho ngày độc lập.

- Cầu mong thời tiết thuận hòa: Bánh trôi có hình dạng tròn đều gợi nên câu tục ngữ Mẹ tròn con vuông, còn bánh chay thì có vỏ trắng mang tính âm, nhân đậu xanh mang tính dương được bao bọc lại, thể hiện âm dương hòa hợp, cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt. 

Ý nghĩa của bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn Thực


Bánh trôi, bánh chay là biểu tượng văn hóa không thể thiếu vào dịp tết Hàn Thực với ý nghĩa hướng về cội nguồn tổ tiên, cầu mong điều tốt đẹp,...


Như vậy, bài viết đã cung cấp các thông tin, giúp các con học sinh có câu trả lời cho vấn đề Tết Hàn Thực là gì, cùng các kiến thức liên quan để thực hành đúng theo truyền thống. Chúc con và gia đình có ngày Tết Hàn Thực ấm áp bên gia đình.

Ban Truyền thông Khối 4
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 3 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website Liên kết website