Logo
Trang chủ Góc phụ huynh Tư liệu dành cho phụ huynh

Các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em dành cho cha mẹ có con nhỏ

25/10/2021
https://daycontaigioi.com/8-bien-phap-phong-chong-xam-hai-tre-em/

Hiện nay các bậc cha mẹ rất ít trang bị các biện pháp phòng chống xâm hại cho con mình. Thực tế cho thấy, cần phải trang bị cho trẻ những kĩ năng cần thiết để tự bảo vệ mình, con trẻ cần được biết điều gì quan trọng trên cơ thể của mình và không ai được phép đụng vào những khu vực cấm.

Hiện nay, trên các trang báo liên tục xuất hiện những tin tức về xâm phạm tình dục trẻ embắt cóc trẻ em bán sang Trung Quốc,… xảy ra ở cả đối tượng bé trai và bé gái.

Nạn xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề gây phẫn nộ trong cộng đồng, nhưng hiện vẫn chưa có cách giải quyết triệt để khiến cho các bậc cha mẹ luôn thấy bất an.

Tình trạng bắt cóc trẻ, xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn. Nổi cộm nhất là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.

Trên các phương tiện truyền thông đưa thông tin về các vụ xâm hại trẻ em cho thấy tính chất của các vụ xâm hại trẻ em đã đến mức nghiêm trọng. Cha mẹ cần phải luôn quan tâm đặc biệt đến con để có những biện pháp tốt nhất.

Trong khi mà phụ huynh vẫn lơ là trong vấn đề nâng cao ý thức cảnh giác cho con thì những kẻ biến thái, ác độc vẫn lởn vởn ngoài kia quan sát và toan tính hành động với con của các bạn.

Thật sự không biết trách ai, nhưng nhìn chung thì rất ít các bậc cha mẹ Việt mình quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ. Cha mẹ cần phải dạy con nên đề phòng những vấn đề nguy hiểm từ sớm, khi nhận thấy sự thiếu an toàn để có giải pháp ứng biến nhanh nhất có thể.

Chính cha mẹ hầu như đôi lúc khá thờ thơ với sự an nguy của con mình nên mới xảy ra những điều đáng tiếc. Và hầu hết các bé ít được trang bị các biện pháp phòng chống xâm hại thân thể để tự bảo vệ, cảnh giác cho mình nên không thể phản ứng kịp với những kẻ có ý đồ xấu xa.

Nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề tiếc nuối ở trên cũng chính là do trẻ chưa được trang bị những kĩ năng tự phòng vệ, kĩ năng phòng chống xâm hại trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ dễ lơ là hay thờ ơ với an nguy của con ngoài đường

Các bé cần phải biết những kiến thức và kĩ năng này để khi gặp nguy có thể nhanh chóng thông báo cho người lớn (cha mẹ) hoặc tự ứng biến khi cảm thấy nguy hiểm có khả năng xảy ra, ít nhất cũng phần nào giúp được trẻ tìm được người giúp.

Để giúp cho các bậc cha mẹ tránh được việc con mình bị xâm hại thân thể hay xâm hại các vấn đề khác một cách kịp thời và hiệu quả, xin được giới thiệu 8 biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em cực quan trọng này để các bậc cha mẹ áp dụng giáo dục ngay cho bé con của mình trước khi quá muộn.

  1. Dạy trẻ quy tắc bàn tay giao tiếp qua 5 ngón tay

Quy tắc bàn tay giao tiếp là một trong những quy tắc cực kì quan trọng trong việc giúp trẻ nhận thức được sự quan trọng trong từng mối quan hệ được tiếp xúc và từ đó ngăn ngừa trẻ bị xâm hại bởi những người không đáng tin.

Cha mẹ cần dạy trẻ biết quy tắc bàn tay giao tiếp (mỗi ngón tay là 1 quy tắc) theo hướng dẫn sau đây:

Quy tắc bàn tay giao tiếp qua 5 ngón tay giúp trẻ hiểu được các mối quan hệ

  • Ngón cái đưa lên: Chỉ ôm hôn với những người thân ruột thịt trong 1 nhà (anh chị em ruột, bố mẹ, ông bà) mới được ôm hôn mình để thể hiện tình yêu thương thôi con nhé.
  • Ngón trỏ đưa lên: Chỉ khoác tay, nắm tay với những người trong họ hàng, thầy cô, bạn bè nhé. Nếu ai vượt hơn giới hạn này như ôm hôn con thì phải có bố mẹ, nếu không hãy nói KHÔNG.
  • Ngón giữa đưa lên: Con chỉ bắt tay giao thiệp khi gặp người mà mình quen biết nhé.
  • Ngón áp út đưa lên: Vẫy tay xin chào thể hiện sự thân thiện và hiếu khách nếu gặp người lạ đến nhà hoặc ngoài phố.
  • Ngón trỏ – ngón an uy đưa lên: Hãy nhắc trẻ luôn nhớ ngón này. Trẻ cần xua tay từ chối (nói không) để phòng tránh nguy hiểm, tránh xâm hại nếu người lạ đang muốn tiếp xúc. Hãy dạy trẻ phải biết xua tay và không tiếp xúc hoặc nếu nguy cấp, phải biết hét to để cầu cứu, báo động và bỏ chạy nếu có người xa lạ chưa từng gặp tiến lại gần và có những cử chỉ thân mật quá mức khiến trẻ bất an, khó chịu.

2. Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể

Kỹ năng đầu tiên về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em mà các bậc cha mẹ cần dạy cho con mình đó là những kiến thức về giới tính và nhận biết các vùng nhạy cảm trên cơ thể như: vùng mặt và vùng cơ thể

Nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề do còn quá nhỏ và thiếu hiểu biết về các vấn đề trên. Thế nên những kẻ biến thái có thể dễ dàng dụng chạm vào cơ thể các bé mà các bé không nhận thức đó là vùng cấm.

 

Các vùng nhạy cảm trên cơ thể của con trẻ

Cha mẹ cần chú tâm hơn trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, dù ở tuổi nào trẻ con cũng cần biết tùy theo mức độ.

Hãy chỉ cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể là nơi quan trọng nghiêm cấm bất kỳ ai động chạm. Kể cả cô chú người thân quen có xin phép thì con cũng hãy từ chối và nhớ quy tắc bàn tay giao tiếp để cân nhắc về mối quan hệ.

3. Không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm

Ngoài việc dạy con nhận biết các vùng nhạy cảm quan trọng ở trên xong rồi thì cha mẹ cần dạy cho trẻ biết cách tự bảo vệ cơ thể trước sự động chạm của người khác một cách cố ý.

Hãy hướng dẫn con như là:

Nếu ai đó cố ý động chạm con bằng được và con không thích điều đó, hãy xử lý nhanh nhất bằng cách bỏ chạy

Hoặc “Nếu cảm thấy sự nguy hiểm lớn hơn thì con vừa bỏ chạy ngay vừa la lớn, nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh khi không có người thân bên cạnh“.

Để giúp con có kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em tốt nhất, các bậc cha mẹ hãy nên dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể của mình ngay từ khi trẻ nghe nhận thức được ngôn ngữ để đủ hiểu.

Tuyệt đối không để ai sờ vào khu vực đồ lót của con

Luôn tuyệt đối không được cho bất kỳ ai xa lạ chạm vào vùng nhạy cảm hay có những hành động ôm ấp, vuốt ve quá thân mật khi trẻ không thích, nhất là đó lại không phải người nhà, cha mẹ, ông bà hay anh chị.

Vùng nhạy cảm là của riêng bé, kể cả bố mẹ cũng không được chạm vào nếu không có sự đồng ý của trẻ. Hãy dạy cho trẻ biết cách từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể khiến trẻ thấy khó chịu hay không thoải mái. 

4. Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác

Bên cạnh việc dạy trẻ tự bảo vệ cơ thể của mình rồi thì các bậc cha mẹ cũng cần dạy trẻ chú ý không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, đặc biệt là một người khác giới.

Tuyệt đối không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng, dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu xa.

Trẻ cần được dạy những kiến thức về giới tính và bảo vệ mình tránh những điều nuối tiếc xảy ra trong tương lai.

5. Dạy trẻ tránh xa những người lạ mặt cố làm thân

Hãy dạy cho trẻ cách nói “KHÔNG” và tránh xa người lạ mặt.

Trẻ sẽ không nên bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Bởi bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng khiến bé rời xa cha mẹ và gây hại cho bé, hãy dạy con về điều này và đảm bảo trẻ không dễ bị dụ dỗ bởi những món bé yêu thích.

Hãy tránh xa người lạ để tự bảo vệ mình con nhé

Đồng thời, cha mẹ nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.

Đừng quá tò mò về lời người khác kể và đi theo một ai đó. Và khi ai đó cho con thứ gì (như bánh kẹo), hãy từ chối vì con sẽ gặp nguy hiểm và cha mẹ sẽ lo lắng cho con  lắm đấy.

6. Dạy trẻ không cho người lạ mặt vào nhà

Khi trẻ ở nhà một mình, cha mẹ cần dạy trẻ tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà, kể cả người thân là chú bác cô dì.

Khi có ai kêu cửa, trẻ cần phải thông báo/gọi điện cho cha mẹ biết nếu có ai đó kêu mở cửa. Khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ thì tuyệt đối con không được mở cửa và không ai được phép bước vào nhà.

Tuyệt đối không cho người lạ vào nhà, phải thông báo cha mẹ ngay

Cha mẹ cũng nên chú ý không cho trẻ đi chơi một mình, và kể cả là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của cha mẹ ở đó.

7. Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác

Để đề phòng trường hợp không may trẻ bị tấn công, cha mẹ nên đưa ra các giả thuyết về các tình huống và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn. Bạn có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn như “cháu bị bắt cóc, cứu cháu với” để cầu cứu những người xung quanh.

Nên chú ý rằng do sự chênh lệch về sức khỏe và độ to lớn nên mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn.

Khi nguy hiểm, hãy bảo trẻ chỉ có thể dùng sự thông minh và những kỹ năng mới có thể giúp trẻ thoát thân an toàn. Hãy bảo trẻ đừng kháng cự mà hãy sử dụng trí thông minh ở đầu của con, cặp mắt tinh tường để quan sát sơ hở và sử dụng cái miệng khi cần thiết.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp cần gọi ngay để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp (113, đội an ninh gần nhà).

Nếu trẻ chưa học số và không nhớ nổi số, hãy ghi ra giấy và dán lên tường gần bên cái điện thoại bàn ở nhà nhé.

8. Báo ngay cho cha mẹ khi trẻ bị đe dọa hoặc không thích bất kỳ người nào

Phụ huynh cần dạy cho trẻ cách giữ bình tĩnh, con không phải sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa sẽ hoặc làm tổn thương đến con nếu con mách lại với bố mẹ.

Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết để giúp trẻ xử lý kẻ xấu vì có như vậy mới là biện pháp giúp con tốt nhất.

Rất nhiều trường hợp đã xảy ra và các bé không dám nói với bố mẹ cho đến khi bố mẹ tự phát hiện ra thì đã muộn rồi. Nhất là trường hợp xâm phạm tình dục ở trẻ em (ấu dâm) và kẻ xấu thường là người thân sẽ đe dọa các bé không được nói với bất kỳ ai nếu không sẽ có những hành động nguy hiểm bất lợi cho bé.

Bên cạnh đó, khi các bé không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, bé cũng nên chia sẻ cho cha mẹ biết và tránh xa những người mà bé không thích hay có những hành vi đụng chạm hay vượt ngoài giới hạn.

Cha mẹ sau khi nghe con chia sẽ, hãy tin tưởng con và cố gắng tâm sự với con để con bớt lo lắng và đề phòng.

 

Hy vọng rằng qua bài viết này với 8 biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em cực quan trọng ở trên sẽ giúp cho các bậc phụ huynh trang bị thêm kiến thức dạy con tự vệ, cũng như trang bị thêm cho con trẻ những kiến thức cần lưu ý để phòng chống xâm hại, bảo vệ sự an toàn cho con.

Hãy quan tâm đến con nhiều hơn, đừng để xảy ra những hối tiếc muộn màng nhé các bậc cha mẹ.

Trẻ em là tương lai của đất nước, là hi vọng của cha mẹ, là hạt mầm xanh của xã hội. Hãy giáo dục con tốt nhất, thưa các bậc phụ huynh.

Ban Truyền thông Khối 4 – Trường TH Hoàng Diệu.

Nguồn sưu tầm.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website Liên kết website