Logo
Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động chuyên môn

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Hoàng Diệu dạy học nội dung Mĩ thuật ứng dụng trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới

14/04/2024

Những điểm mới của nội dung Mĩ thuật ứng dụng lớp 1

Trong chương trình GDPT, nội dung phân môn Mĩ thuật được phân chia theo hai giai đoạn, Mĩ thuật lớp 1 thuộc giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 và “Nội dung giáo dục mĩ thuật được thiết kế theo hướng tích hợp, nhằm hình thành cho học sinh khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; Hình thành và phát triển khả năng đọc, hiểu tác phẩm, sản phẩm mĩ thuật; Tạo cơ hội cho học sinh thực hành, trải nghiệm, khám phá và hợp tác, giải quyết vấn đề”.

Về yêu cầu cần đạt (đối với học sinh lớp 1) được mô tả theo các thành tố của năng lực thẩm mĩ, đó là:

  • Quan sát và nhận thức thẩm mĩ
  • Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ
  • Phân tích và đánh giá thẩm mĩ.

Vì vậy, yêu cầu cần đạt chủ yếu tập trung nhận biết các yếu tố tạo hình như:

  • Chấm, nét, hình, khối, màu sắc ở bài vẽ và sản phẩm thủ công
  • Nhận biết màu và sử dụng nét để mô phỏng đối tượng
  • Tạo được hình khối dạng cơ bản/sản phẩm từ vật liệu dạng hình khối
  • Sử dụng chấm, nét, màu sắc khác nhau để trang trí, sáng tạo sản phẩm và chia sẻ cảm nhận về sản phẩm Mĩ thuật

Các yêu cầu trong thành tố năng lực thẩm mĩ là cơ sở cho giáo viên, cán bộ quản lí xác định nội dung học tập cho phù hợp đối tượng học sinh cũng như biết được kết quả học tập của học sinh sau khi kết thúc năm học.

Trong chương trình môn Mĩ thuật lớp 1, phần Mĩ thuật ứng dụng có những yêu cầu cần đạt sau:

- Quan sát và nhận thức thẩm mĩ: Nêu được tên một số công cụ, vật liệu để thực hành, sáng tạo; Nhận biết và tìm được yếu tố tạo hình: chấm, nét, hình, khối, màu ở sản phẩm thủ công.

- Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ: Biết cách sử dụng công cụ phù hợp với vật liệu và an toàn trong thực hành, sáng tạo; Thực hiện được các bước trong thực hành tạo ra sản phẩm; Vận dụng được nét để tạo nên sản phẩm; Tạo được sản phẩm từ vật liệu dạng hình, khối; Sử dụng được chấm, nét, màu sắc khác nhau để trang trí sản phẩm.

- Phân tích và đánh giá thẩm mĩ: Trưng bày, chia sẻ được cảm nhận về sản phẩm; Biết chia sẻ ý định sử dụng sản phẩm và bảo quản một số đồ dùng học tập.

Như vậy, yêu cầu cần đạt phần Mĩ thuật ứng dụng (lớp 1) tập trung vào những nhận biết của học sinh về vật liệu và các yếu tố tạo hình ở sản phẩm thủ công; Cách sử dụng chất liệu, vật liệu trong thực hành sáng tạo và những cảm nhận cá nhân của HS về sản phẩm học tập.

Dạy học nội dung Mĩ thuật ứng dụng (phần Thủ công) trong môn Mĩ thuật lớp 1 Trong CT GDPT mới, dạy học Mĩ thuật ở phổ thông cần hiểu rộng hơn, đó là không chỉ vẽ tranh trên mặt phẳng (2D) bằng các chất liệu màu, hay tranh xé, dán giấy mà còn được thể hiện bằng nhiều hình thức và chất liệu khác nhau. Những nội dung thuộc về Mĩ thuật ứng dụng được thể hiện bằng vật liệu tự nhiên, vật liệu nhân tạo, vật liệu tái sử dụng, kết quả học tập là sản phẩm thủ công (3D) về đồ chơi và đồ dùng học tập được trưng bày/sắp đặt trong không gian thực.

Tạo hình sản phẩm thủ công 3D và nghệ thuật sắp đặt là hình thức học tập giúp học sinh tiếp cận với mĩ thuật đời sống và nghệ thuật hiện đại. Chương trình môn Mĩ thuật mới có thể nhận thấy tạo hình sản phẩm thủ công 3D được trải đều ở nội dung từ lớp 1 đến lớp 9. Điều đó cho thấy rõ nội dung tạo hình sản phẩm 3D được đặc biệt chú trọng, giúp hình thành, phát triển nhận thức của học sinh về nghệ thuật trong không gian, bước đầu làm quen với mĩ thuật hiện đại (nghệ thuật sắp đặt), phát huy kĩ năng tạo hình, kĩ năng nhận xét, đánh giá và bình luận, tinh thần hợp tác nhóm, khơi dậy trí sáng tạo, phát triển nhận thức thẩm mĩ, thông qua các sản phẩm thủ công 3D. Từ đó, giáo dục học sinh ý thức sử dụng phế liệu, tái tạo sản phẩm có ý nghĩa.

 

Về vật liệu trong tạo hình Mĩ thuật ứng dụng:

Mĩ thuật ứng dụng ở lớp 1 được thể hiện bằng hệ thống bài tạo hình 2D, 3D với các hình thức vẽ, xé dán, nặn, gấp, đính ghép khối hộp,… và sản phẩm có thể chỉ sử dụng một chất liệu, hình thức thể hiện (Ví dụ, bài nặn) nhưng cũng có thể kết hợp nhiều chất liệu (Ví dụ, tạo hình ảnh bằng khối hộp, đất nặn, được vẽ hoặc trang trí bằng màu,…) hoặc nhiều hình thức thể hiện khác nhau (khối nổi, xé dán, hoặc kết hợp xé dán với khối nổi,…). Nội dung bài học Mĩ thuật ứng dụng sẽ liên quan đến cách thức tạo hình cũng như lựa chọn vật liệu trong quá trình thực hành.

Dạy học nội dung Mĩ thuật ứng dụng, chuẩn bị vật liệu là khâu đặc biệt chú trọng, quyết định đến hình thức, sự đa dạng của sản phẩm cũng như gây chú ý, hấp dẫn với HS hay không. Có thể nhận thấy “đường đi” của vật liệu tái sử dụng trong tạo hình mĩ thuật ứng dụng cho đến khi hoàn thành sản phẩm như sau: Vật liệu phế liệu → Hình dung ý tưởng từ vật liệu → Sáng tạo và hoàn thiện ý tưởng → Sản phẩm mĩ thuật 3D. Nguyên liệu tạo hình Mĩ thuật ứng dụng thường là các vật liệu, phế liệu có nhiều trong sinh hoạt, do học sinh tự sưu tầm như: vỏ giấy, bìa, đồ nhựa phế thải, vải vụn, cành cây khô,… cùng các dụng cụ hỗ trợ như hồ, keo dán, băng dính, màu vẽ,… Sản phẩm tạo hình từ các vật liệu tìm được sẽ cho bài tập sinh động, đa dạng, đòi hỏi học sinh tưởng tượng nhiều hơn là tạo hình chỉ bằng một loại chất liệu. Ví dụ, khi dạy về chủ đề Con vật, GV có thể hướng dẫn cho học sinh sử dụng lá cây tạo hình con cá, dùng dây thép tạo hình thành con hươu, chai nhựa tạo hình thành con lợn,… Thông qua hướng dẫn học sinh cách xé, dán (xé hình, cách xé, sắp xếp hình, dán hình…) phần xé dán, bài học mĩ thuật ứng dụng giúp HS có được một số kĩ năng khéo léo phục vụ cuộc sống như cắt, gấp, xé dán và một số cách sử dụng dụng cụ học tập như cách tô màu bằng chất liệu khác nhau, cách ghép dính các vật liệu.

Nội dung Mĩ thuật ứng dụng đơn giản, dễ hiểu không gò bó, tựa như một trò chơi mang tính sáng tạo, phù hợp đặc điểm tâm lí và khả năng tư duy sáng tạo của trẻ nên được sự đón nhận của học sinh. Tuy nhiên, dạy học Mĩ thuật ứng dụng hiện nay còn gặp một số khó khăn sau:

- Về nguồn vật liệu, GV còn lúng túng trong trường hợp thiếu hoặc không có vật liệu phục vụ dạy học;

- Sự phối hợp của phụ huynh học sinh chưa cao trong việc hỗ trợ vật liệu học tập theo yêu cầu của con em;

- Phòng chức năng, tủ trưng bày sản phẩm 3D trong nhà trường hạn chế

- Phương pháp dạy học chưa phát huy khả năng tích cực học tập cao của học sinh

- Còn một số GV quan niệm chưa đúng về dạy học Mĩ thuật ứng dụng hoặc chưa được tập huấn kĩ về phương pháp dạy học, nên thực hiện giờ dạy chưa đảm bảo đúng đặc thù nội dung cũng như khuyến khích học sinh say mê, sáng tạo trong học tập.

 

Ban truyền thông tổ CBTC
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 3/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website Liên kết website